Nếu như Sài Gòn nổi tiếng với những ly cafe vỉa hè đậm đặc. Thì đến với Hà Nội, thứ đồ uống uống bình dân, dung dị nhất chính là trà đá. Đằng sau những ly trà, những góc nhìn là cả những câu chuyện dài nói về cuộc sống và con người nơi đây. Trà đá Hà Nội vô cùng đa dạng và phong phú. Nhưng đặc điểm chung của nó là sự bình dân. Hầu hết góc phố nào cũng tìm thấy vài ba hàng trà đá. Dụng cụ bày trí không cần nhiều lắm, một vài cái ghế nhựa hoặc đôi cái ghế gỗ dài, một cái bàn, vài cái cốc. Thế là xong tổng thể của một quán trà đá.
Mục lục
Món đồ uống bình dân, đa dạng
Gọi là trá đá nhưng không nhất thiết chỉ có trà khô, còn có trà tươi, nhân trần, nước vối. Trà khô thì nước vàng hoặc xanh nếu là loại ngon; trà tươi nước xanh nhạt, nước vối vàng, chỉ có nhân trần, màu tím thẫm gần như quả mùng tơi. Nhiều người thì khoái trà đá và tiếp tục sự bảo thủ của người Bắc. Người uống trà đá có thể uống thứ trà này trong những ngày lạnh căm căm. Một anh bạn người Nam ra Hà Nội chơi, co ro trong gió rét; vẫn thấy người bạn Bắc gọi một cốc trà đá uống ngon lành. Đã gọi là sở thích thì rất khó giải thích, đơn giản là thích thôi. Thích thì không cần lý do.
Ở quán trà đá người ta nói chuyện gì? Thôi thì từ chuyện trên trời dưới biển đến con kiến tha con giun. Và có vẻ người Việt thích nhất chuyện thời sự. Cả một kho thông tin được trao đổi và truyền tải ở quán trà đá, và tất nhiên độ tin cậy không cao. Thế mới có cái gọi là “Thông tấn xã vỉa hè” và “Hãng thông tấn” này chủ yếu bắt nguồn từ những quán trà đá vỉa hè.
Những nét độc đáo của thức đồ uống vỉa hè này
Chuyện phiếm chỉ là một đặc điểm của quán trà đá. Nó còn là nơi thư giãn, giải khát và ngắm phố. Trà đá tuy bình dân nhưng không phải vì thế mà không có những khoái thú. Hay bởi sự quen thuộc của mình mà ta tự cho là đặc sắc cũng nên. Hồi tôi là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; ở khu vực Thanh Xuân Bắc, trong cái ngõ nhỏ có một ông già chuyên bán trà rất độc đáo.
Độc đáo là trà ông bán trong cái ngõ sâu hun hút, mà chén trà đặc thì thôi rồi. Đưa lên miệng síp một tí đã thấy vị chát ngấm trọn lưỡi. Một người bạn của tôi bảo rằng, thậm chí ông già còn pha những ấm trà đặc như cao. Chén trà rót ra đặc sánh như mật, cắm một cái tăm vào đấy nó cũng không đổ.
Thường dùng chung với kẹo bạc
Vì là trà chát nên người ngồi quán thường chiêu với kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi. Hầu như tất cả các quán trà vỉa hè Hà Nội đều có món này. Một cái lọ nhựa đựng mấy phong kẹo lạc, kẹo vừng, vài gói thuốc lá, thuốc lào. Khách ngồi nhâm nhi những chén trà đắng ngọt; nhai một thanh kẹo nhấm nháp sự vui thú rất bình dân. Quay lại quán trà của ông cụ già ngày trước. Trong cái ngõ tối lờ mờ ấy, mấy cậu bạn tôi mỗi đứa cầm một chén trà và cái kẹo lạc. Vừa ăn vừa thì thầm nói chuyện, quán đông, hẹp và tối, cảm giác như ngồi trong một nhà mồ trò chuyện với những hồn ma.
Trở thành một điểm đến không cần hẹn trước
Trà đá vỉa hè đã trở thành một điểm đến không cần hẹn trước của bất kỳ một lứa tuổi nào. Không cứ gì vỉa hè, hàng rong; trà đá còn len chân có mặt tại rất nhiều quán ăn, thậm chí nhà hàng sang trọng. Người Hà Nội vẫn cầu kỳ trong cách ăn uống, nếp sống. Vậy mà không hiểu sao trà đá vẫn được ưa chuộng đến thế? Người ta tìm đến trà đá như một thói quen, nhấm nháp uống ly trà đá vào mùa hè oi bức mà mát lòng mát dạ; mùa đông lạnh giá thì nhâm nhi ly trà nóng, thưởng thức cái vị chan chat rồi ngọt dần trong miệng, hòa mình trong những chuyện “không đầu không cuối”.
Không riêng gì người Hà Nội; du khách phương xa khi đặt chân đến mảnh đất Kinh kỳ này đều thích thú với nét văn hóa bình dân độc đáo này. Người Sài Gòn yêu cái giản đơn mà nồng ấm của trà đá vỉa hè. Du khách nước ngoài thì ngạc nhiên pha lẫn thích thú khi bắt gặp hình ảnh những công chức comple cavat, giầy tây đủ bộ vẫn ngồi tán chuyện say sưa bên cốc trà nơi phố phường tấp nập.
Truy cập vào monngonthegioi.com để thưởng thức nhiều món ăn thức uống nổi tiếng của Việt Nam nữa nhé.
Nguồn: emeraldhotel.vn